Xử lý hành vi không trả tiền khi mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ
Trong quá trình trao đổi mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ thì bên mua hàng, bên…
Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau: Giao dịch dân sự là giao dịch rất phổ biến và diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta hiện nay. Chính vì vậy mà Bộ Luật dân sự 2015 đã giành cả một Chương VIII để quy định cụ thể về vấn đề này.
1. Giao dịch dân sự là gì?
Theo Điều 116 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự, theo đó:
“Điều 116. Giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Như vậy, có thể thấy giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý bao gồm các hành vi pháp lý đơn phương hoặc đa phương được thực hiện nhằm dẫn đến phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể nhất định. Mỗi loại giao dịch dân sự có thể dẫn đến việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự khác nhau.
2. Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.
Theo quy định tại Điều 117 Bộ Luật dân sự 2015 thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:
“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”
Giao dịch dân sự được thực hiện dựa trên ý chí của các chủ thể tham gia vào giao dịch dân sự. Vì vậy, để giao dịch dân sự có hiệu lực thì các chủ thể khi tham giao vào giao dịch dân sự phải đảm bảo có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật. Đồng thời khi xác lập giao dịch dân sự thì chủ thể tham gia vào giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc hay lừa dối.
Bên cạnh đó, mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch dân sự. Tuy nhiên, để giao dịch dân sự có hiệu lực thì mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không được vi phạm các điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Ngoài ra, đối với một số trường hợp nhất định giao dịch dân sự có hiệu lực khi đáp ứng các yêu cầu về hình thức của giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
3. Hình thức của giao dịch dân sự.
Hình thức của giao dịch dân sự là một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo quy định tại Điều 119 Bộ Luật dân sự 2015 thì:
“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”
Như vậy có thể thấy, hình thức thể hiện của giao dịch dân sự rất đa dạng và phong phú. Hình thức giao dịch bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể thường áp dụng cho những giao dịch dân sự được thực hiện hoặc chấm dứt ngay sau khi thực hiện (như mua bán trực tiếp) hoặc áp dụng giữa những chủ thể có sự tin cậy hoặc mối quan hệ thân thiết.
Hình thức giao dịch dân sự thể hiện bằng văn bản là việc các bên chủ thể xác lập giao dịch dân sự bằng văn bản hoặc thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật để thỏa thuận về các điều khoản của giao dịch và xác nhận ý chí của mình. Đối với những giao dịch dân sự thể hiện bằng văn bản mà pháp luật yêu cầu phải có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
4. Giao dịch dân sự bị xem là vô hiệu khi nào?
Theo Điều 122 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.”
Như vậy, giao dịch dân sự bị coi là vô hiệu khi không đáp ứng được một trong các điều kiện về hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
- Điều kiện về chủ thể tham gia xác lập giao dịch dân sự: Chủ thể tham gia xác lập giao dịch dân sự không có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật. Chủ thể xác lập giao dịch dân sự do bị ép buộc, lừa dối, không tự nguyện.
- Điều kiện về mục đích của giao dịch dân sự: Mục đích của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội.
- Điều kiện về hình thức: Đối với một số trường hợp pháp luật quy định hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực thì giao dịch dân sự bị xem là vô hiệu khi không đáp ứng đủ các yêu cầu về hình thức do luật định.
Để cụ thể hóa về các trường hợp giao dịch dân sự bị xem là vô hiệu, Bộ Luật dân sự 2015 đã quy định cụ thể như sau:
5. Hậu quả pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu.
Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự không đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Điều 131 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Như vậy, đối với những giao dịch bị xem là vô hiệu thì sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập. Vì vậy, nếu giao dịch chưa được thực hiện thì các bên không được thực hiện giao dịch đó. Nếu giao dịch đã được thực hiện toàn bộ hay một phần thì các bên không được tiếp tục thực hiện giao dịch và phải phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những lợi ích vật chất đã nhận của nhau. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.