Việc lưu giữ tinh trùng, lưu giữ noãn, lưu giữ phôi hiện nay không còn là khái niệm quá xa lạ với người dân. Tuy nhiên việc lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật.
1. Việc gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi được thực hiện trong các trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 10/2015/NĐ-CP việc gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Người chồng hoặc người vợ trong những cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh;
- Người có nguyện vọng muốn lưu giữ cá nhân;
- Người tình nguyện hiến tinh trùng, hiến noãn, hiến phôi;
- Cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân lưu giữ phôi còn dư sau khi thụ tinh trong ống nghiệm thành công.
2. Trách nhiệm của cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi trong trường hợp người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi bị chết hoặc ly hôn
- Đối với trường hợp người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi bị chết
+ Nếu cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi nhận được thông báo kèm theo bản sao giấy khai tử hợp pháp từ phía gia đình người gửi, thì phải hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người đó.
+ Trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản thì tiếp tục lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi.
- Đối với trường hợp người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi ly hôn
+ Trường hợp người gửi đề nghị hủy tinh trùng, noãn của chính mình thì phải hủy tinh trùng, noãn của người đó;
+ Trường hợp đề nghị hủy phôi thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cả hai vợ chồng; nếu muốn tiếp tục lưu giữ thì phải có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản.