Hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm những giấy tờ gì?
Một cuộc hôn nhân muốn được pháp luật công nhận thì cần phải thực hiện đăng ký k…
Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đăng kí kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai đều vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình
Tại điều 8 Luật hôn nhân và gia đình quy định về điều kiện kết hôn như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Như vậy, những trường hợp thuộc kết hôn trái pháp luật đồng thời là căn cứ để Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật là:
- Chưa đủ tuổi kết hôn: Nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi
- Nam, nữ không tự nguyện kết hôn: Khi kết hôn một trong hai bên hoặc cả hai đều không đảm bảo tính tự nguyện.
- Người kết hôn bị mất năng lực hành vi dân sự
- Việc kết hôn thuộc một số trường hợp cấm kết hôn theo quy định như: Kết hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người khác hoặc người chưa có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người đang có vợ hoặc chồng; kết hôn hoặc sống chung giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa những người đã từng là cha,mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật như sau:
“1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.”
Như vậy, pháp luật không chỉ quy định quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật cho chủ thể của cuộc hôn nhân mà còn có cả những chủ thể khác như cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ,…nhằm đảm bảo quyền lợi của người kết hôn và góp phần quản lý hiệu quả vấn đề hôn nhân và nhân khẩu trong thực tiễn hiện nay.
Theo Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định vể xử lý hủy kết hôn trái pháp luật như sau:
- Trường hợp khi kết hôn hai bên không đủ điều kiện kết hôn nhưng sau có đủ điều kiện kết hôn thì Tòa án sẽ giải quyết như sau:
+ Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận kết hôn thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn
+ Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy kết hôn trái pháp luật. Trường hợp có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thì quyền, nghĩa vụ cha, mẹ, con; quan hệ tài sản; quyền, nghĩa vụ hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến thời điểm hủy kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo quy định tại Điều 12 Luật hôn nhân và gia đình
+ Trường hợp nếu hai bên cùng yêu cầu ly hôn hoặc một bên yêu cầu ly hôn, bên còn lại yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến trước thời điểm đủ điều kiện kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình.
- Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không đủ các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì giải quyết như sau:
+ Nếu có yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
+ Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
- Trường hợp nam, nữ có đăng ký kết hôn nhưng việc đăng ký kết hôn tại không đúng cơ quan có thẩm quyền (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) mà có yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ đồng thời hủy Giấy chứng nhận kết hôn và thông báo cho cơ quan hộ tịch để xử lý. Trường hợp yêu cầu Tòa án quyền, nghĩa vụ đối với con; tài sản; nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
- Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có điều kiện kết hôn hay không) mà có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu, tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân của họ. Nếu có yêu cầu giải quyết quyền, nghĩa vụ đối với con; tài sản; nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Điều 12 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau:
“1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.”
Theo đó:
- Về nguyên tắc, Nhà nước không thừa nhận kết hôn trái pháp luật. Vì vậy khi kết hôn trái pháp luật bị hủy thì quan hệ vợ chồng giữa hai bên sẽ chấm dứt.
- Về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con: Khi Tòa án tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật, hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên sẽ theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những phân tích của Luật Hùng Thắng về vấn đề hủy kết hôn trái pháp luật. Nếu khách hàng gặp vấn đề về pháp lý cần tư vấn pháp lý hay hỗ trợ, Luật Hùng Thắng sẵn sàng hỗ trợ tư vấn hôn nhân gia đình qua điện thoại, email, zalo,... đảm bảo sẽ cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất.
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT HÙNG THẮNG
Địa chỉ: 10-A9, Tập thể Bộ Công an, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội.
VP Hà Nội: Số 202 Mai Anh Tuấn, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội.
VP Hà Tĩnh: Số 286 Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 19000185 // Email: info@luathungthang.com.