Có hay không việc bắt buộc công dân phải đăng ký tài khoản định danh điện t…
Có hay không việc bắt buộc công dân phải đăng ký tài khoản định danh điện tử?
Hiện nay, kèm theo thời tiết nắng nóng, oi bức, khó chịu của Miền Bắc thì việc cắt điện đột xuất đã ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt và công việc của người dân. Vậy trường hợp nào được cắt điện sinh hoạt của người dân? Hành vi cắt điện không thông báo trước có bị xử phạt không?
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Oanh - Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Luật sư Phạm Ngọc Oanh – Công ty Luật TNHH Hùng Thắng
1. Các trường hợp được cắt điện sinh hoạt
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật điện lực và Điều 14 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định về các trường hợp bên bán điện được ngừng, giảm mức cung cấp điện gồm:
- Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp
+ Bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng cách thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp:
+ Do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người.
+ Do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện.
+ Đơn vị phát điện, phân phối điện được ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý và trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại.
- Bên mua điện có một trong các hành vi sau:
+ Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.
+ Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.
+ Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
+ Trộm cắp điện.
+ Dùng điện để bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trừ trường hợp được Nhà nước cấp phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.
+ Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.
Như vậy, bên bán điện chỉ được ngừng, giảm mức cung cấp điện nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên. Theo đó, trường hợp cắt điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo trước ít nhất 05 ngày cho người dân.
2. Cắt điện nhưng không thông báo bị xử lý thế nào?
Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà đơn vị cung cấp điện, người có trách nhiệm cung ứng điện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự đối với hành vi cắt điện không thông báo trước cụ thể:
a. Xử phạt hành chính
Tại Điều 11 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 11. Vi phạm các quy định về bán lẻ điện
[…]
7. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định;
b) Thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện; không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo theo Quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành.”
Như vậy, tổ chức cung ứng điện cắt điện sinh hoạt không thông báo trước cho bên mua điện bị sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
b. Xử lý hình sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 199 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi năm 2017 quy định tội vi phạm quy định về cung ứng điện như sau:
“Điều 199. Tội vi phạm quy định về cung ứng điện
1. Người nào có trách nhiệm mà đóng điện, cắt điện, từ chối cung cấp điện trái quy định của pháp luật hoặc trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Như vậy, người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện mà cắt điện không có lý do chính đáng hoặc không thông báo trước cho người dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm theo quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Hùng Thắng, trường hợp bạn còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể.
Thông tin liên hệ:
Trụ sở: 10-A9, Tập thể Bộ Công an, Phường Tứ Liên, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
VP Hà Nội: Số 202 Mai Anh Tuấn, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
VP Hà Tĩnh: 286 Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh.
Hotline: 19000185
Email: info@luathungthang.com