Chủ đề liên quan

Công ty Luật Hùng Thắng
Số điện thoại Công ty Luật Hùng Thắng
Liên hệ Công ty Luật Hùng Thắng

Ly hôn không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ với con cái. Luật Hùng Thắng sẽ tư vấn quyền, nghĩa vụ nuôi con khi ly hôn. Hai bên có một người sẽ có một người có quyền và nghĩa vụ trực tiếp nuôi con và người còn lại có quyền và nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng cho con.

1. Quyền nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

1.1. Quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn

Sau khi có quyết định của Tòa án, người trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định tại khoản 1 điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Theo đó, cha, mẹ có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục sau ly hôn đối với con thuộc các trường hợp như sau:

- Con chưa thành niên;

- Con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động;

- Con đã thành niên nhưng không có tài sản để tự nuôi mình.

1.2. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con

Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Theo như quy định trên, cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện những nghĩa vụ sau:

- Tôn trọng quyền của con được sống với người trực tiếp nuôi;

- Có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con;

- Yêu cầu người không trực tiếp nuôi con và các thành viên trong gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

Ngoài ra cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

2. Quyền nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn

2.1. Quyền thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Trên thực tế, con trẻ cần nhận được sự yêu thương, chăm sóc từ hai bên cha mẹ. Việc thăm nom của người không trực tiếp nuôi con tạo nên mối quan hệ gần gũi, gắn bó, bù đắp được một phần tổn thương cho con cái. Khoản 3 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau:

“3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Theo đó, người không trực tiếp nuôi con có quyền được thăm non con mà không được ai cản trở. Quy định này là đúng với thực tế bởi có nhiều trường hợp do mâu thuẫn từ khi sống chung nên sau khi ly hôn người trực tiếp nuôi con cắt đứt liên lạc, không cho người còn lại được quyền gặp gỡ, thăm non con. Tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”

Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình còn quy định việc hạn chế quyền thăm nom của người không trực tiếp nuôi con nếu người đó lạm dụng việc thăm nom để cản trở, gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc con của người bên kia. Đôi khi chỉ vì mâu thuẫn cá nhân mà lợi dụng việc đến thăm nom để chửi bới, xúc phạm người trực tiếp nuôi con gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái.

2.2. Nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật. ( Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: 

“2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Theo đó, ngoài việc bù đắp về mặt tinh thần cho con, người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con để con có điều kiện học tập, phát triển,…

2.2.1: Về mức cấp dưỡng

Căn cứ tại Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, mức cấp dưỡng do hai bên ly hôn thỏa thuận với nhau dựa trên các yếu tố như mức thu nhập, khả năng thực tế của người không trực tiếp nuôi con, nhu cầu của người được cấp dưỡng,…

Nếu hai bên không thể thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án đứng ra giải quyết. Khi quyết định số tiền cấp dưỡng cho bên không trực tiếp nuôi con, Tòa án sẽ dựa trên mức thu nhập của người đó và thường sẽ quyết định đưa ra mức cấp dưỡng không cao hơn thu nhập của họ. Trường hợp Tòa án quyết định mức cấp dưỡng cao hơn thu nhập, người cấp dưỡng có quyền yêu cầu Tòa án xem xét lại.

2.2.2 Phương thức cấp dưỡng

Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về phương thức cấp dưỡng như sau:

“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, phương thức cấp dưỡng được xác định dựa theo sự thỏa thuận của hai bên, có thể theo định kỳ hoặc một lên.

- Phương thức cấp dưỡng định kỳ

Việc cấp dưỡng được thực hiện theo hàng tháng, hàng quý, nửa năm hoặc hàng năm tùy theo các bên thỏa thuận. Nếu quá trình thực hiện người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn, không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể thỏa thuận với người trực tiếp nuôi con về việc tạm ngừng cấp dưỡng.

- Phương thức cấp dưỡng một lần

Việc cấp dưỡng một lần tránh được tình trạng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của bên không trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên giá trị mức cấp dưỡng theo phương thức này lớn nên phù hợp với người có điều kiện kinh tế hơn.

Trong trường hợp không thỏa thuận được về phương thức cấp dưỡng hay việc tạm ngừng cấp dưỡng do khó khăn về kinh tế thì yêu cầu Tòa án giải quyết. 

Trên đây là những phân tích của chúng tôi về các quy định pháp luật về vấn đề quyền nuôi con khi ly hôn. Nếu có vấn đề vướng mắc gì cần giải đáp hoặc cần tư vấn ly hôn, vui lòng liên hệ với Luật Hùng Thắng để được tư vấn cụ thể.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT HÙNG THẮNG

Địa chỉ: 10-A9, Tập thể Bộ Công an, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội.

VP Hà Nội: Số 202 Mai Anh Tuấn, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội.

VP Hà Tĩnh: Số 286 Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.

Điện thoại: 19000185  //  Email: info@luathungthang.com


04/02/2021
Lịch trình cho

Tư vấn miễn phí

Công ty Luật Hùng Thắng chuyên tư vấn doanh nghiệp, tư vấn luật doanh nghiệp, tư vấn thành lập công ty, tư vấn pháp lý thường xuyên, tư vấn thay đổi đăng ký kinh doanh, tư vấn đất đai, tư vấn hợp đồng, tư vấn hôn nhân, tư vấn ly hôn, tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình, luật sư bào chữa..

19000185