Định đoạt tài sản chung luôn là mối quan tâm của các đồng sở hữu trong quá trình sở hữu chung tài sản. Vậy pháp luật quy định như thế nào về định đoạt tài sản chung. Căn cứ theo Bộ Luật Dân sự 2015, nội dung tư vấn như sau:
- Sở hữu chung theo quy định của pháp luật Dân sự là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản.
- Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.
- Về sở hữu chung bao gồm: Sở hữu chung theo phần, sở hữu chung hợp nhất, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu chung của các thành viên gia đình, sở hữu chung vợ chồng, sở hữu chung trong nhà chung cư, sở hữu chung hỗn hợp.
Khi thực hiện định đoạt tài sản chung, cần tuân thủ quy định pháp luật liên quan về quyền này đối với các đồng sở hữu. Cụ thể, tại Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về việc định đoạt tài sản chung, theo đó:
- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
- Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
- Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.
- Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.
- Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.
- Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định về Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu
Trên đây là toàn bộ tư vấn về Định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung theo quy định Bộ luật Dân sự 2015. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những thông tin cần thiết. Vui lòng liên hệ chúng tôi nếu còn những vướng mắc, chưa rõ hoặc tư vấn pháp lý khác để được tư vấn cụ thể.