Vi phạm chế độ một vợ, một chồng và hình thức xử lý
Vậy pháp luật quy định hình thức xử lý như thế nào để bảo vệ chế độ hôn nhân một…
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người thừa kế theo pháp luật có quan hệ ruột thịt với người để lại di chúc, pháp luật về thừa kế quy định về các trường hợp dù không có tên trong di chúc nhưng vẫn được hưởng thừa kế. Vậy những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc gồm những ai? Cần đáp ứng điều kiện gì?
1. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Căn cứ theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 thì người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là người mà theo quy định của pháp luật thừa kế, họ vẫn được hưởng một phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó bao gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Đối với các đối tượng nêu trên, kể cả trong trường hợp người có di sản thừa kế không để lại di sản thừa kế cho họ trong di chúc thì họ vẫn có quyền được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, để được nhận phần di sản theo quy định trên thì người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc cần đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.
2. Điều kiện để được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc?
Điều kiện chung để hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc cũng giống như những người thừa kế hợp pháp khác của người để lại di sản, người thuộc diện thừa kế bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu của một người thừa kế:
- Không từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015;
- Cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế;
- Không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”
Như vậy, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc mà không từ chối nhận di sản và không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản thì vẫn sẽ được hưởng di sản thừa kế dù họ không có tên trong di chúc. Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Hùng Thắng, trường hợp bạn còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể.
Thông tin liên hệ:
Trụ sở: 10-A9, Tập thể Bộ Công an, Phường Tứ Liên, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
VP Hà Nội: Số 202 Mai Anh Tuấn, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
VP Hà Tĩnh: 286 Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh.
Hotline: 19000185
Email: info@luathungthang.com