Chủ đề liên quan

Công ty Luật Hùng Thắng
Số điện thoại Công ty Luật Hùng Thắng
Liên hệ Công ty Luật Hùng Thắng

Chào Luật sư, gần đây trên nhiều bài báo và các diễn đàn đã đăng hàng loạt thông tin về việc tội phạm giết người rồi chở thi thể đi đầu thú, tôi thắc mắc hành vi giết người rồi đầu thú có được giảm nhẹ hình phạt hay không? Hình thức xử lý như thế nào? (Mai Anh – Hà Nội).

Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng,

Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Gần đây các vụ án giết người xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt tội phạm giết người do mâu thuẫn tình cảm ngày một gia tăng, thủ phạm còn tỏ ra bình tĩnh trước hành vi phạm tội nghiêm trọng mà bản thân gây ra, điều này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận người dân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Vậy trước sự bình tĩnh đến lạnh người của hung thủ sau khi gây ra án mạng, việc hung thủ đi “đầu thú” liệu có được giảm nhẹ hình phạt hay không? chúng ta cùng Luật Hùng Thắng giải đáp thắc mắc trên qua bài viết dưới đây.

Trước hết chúng ta cần hiểu, phân biệt rõ giữa “đầu thú” và “tự thú” là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản h và khoản i Điều 4, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 giải thích như sau:

“h) Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

i) Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.”

Như vậy, có thể thấy, hành vi tự thú là sự tự nguyện khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình khi hành vi phạm tội vẫn chưa được phát hiện. Ngược lại, đầu thú là hành vi tự nguyện trình diện, khai báo với cơ quan có thẩm quyền khi đã có người phát hiện.

Trong trường hợp này, người phạm tội sau khi “giết người” đã đến cơ quan Công an “đầu thú” theo cách nói của người dân thực chất là người phạm tội đi tự thú với cơ quan Công an. Vậy hành vi giết người rồi đi tự thú có được giảm nhẹ hình phạt hay không? Hình thức xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

1. Hành vi giết người bị xử lý như thế nào?

Giết người là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng của con người, cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật được quy định hình thức xử lý tại Điều 123, Bộ luật hình sự 2015 như sau:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, hành vi phạm tội giết người có thể bị phạt tù từ 07-15 năm, nếu trường hợp phạm tội thuộc khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 thì mức phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

2. Người phạm tội giết người rồi tự thú có được giảm nhẹ hình phạt hay không?

Tại điểm r khoản 1 Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

r) Người phạm tội tự thú;”

Theo quy định pháp luật nêu trên thì khi người phạm tội tự thú thì sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Còn đối với việc người phạm tội đầu thú, tại khoản 2 Điều 51, Bộ luật hình sự 2015 có quy định:

“2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”

Như vậy, có thể nói rằng, khi phạm tội giết người thì việc người phạm tội tự thú sẽ được áp dụng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Còn đối với việc đầu thú thì Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội.

Trên đây là nội dung tư vấn về của Công ty Luật Hùng Thắng liên quan đến việc Giết người rồi tự thú/đầu thú có được giảm nhẹ hình phạt hay không? mức xử lý đối với hành vi phạm tội giết người như thế nào? Nếu còn những vướng mắc chưa rõ hoặc cần tư vấn pháp lý khác, vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT HÙNG THẮNG

Trụ sở: 10-A9, Tập thể Bộ Công an, Phường Tứ Liên, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

VP Hà Nội: Số 202 Mai Anh Tuấn, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.

VP Hà Tĩnh: 286 Phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh.

Hotline: 19000185

Email: info@luathungthang.com


22/09/2022
Lịch trình cho

Tư vấn miễn phí

Công ty Luật Hùng Thắng chuyên tư vấn doanh nghiệp, tư vấn luật doanh nghiệp, tư vấn thành lập công ty, tư vấn pháp lý thường xuyên, tư vấn thay đổi đăng ký kinh doanh, tư vấn đất đai, tư vấn hợp đồng, tư vấn hôn nhân, tư vấn ly hôn, tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình, luật sư bào chữa..

19000185