Hành vi sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý như thế…
Những ngày gần đây mạng xã hội đang xôn xao về vụ việc nam ca sĩ, nữ diễn viên –…
Hiện nay, các hình thức đánh bạc rất đa dạng, phức tạp điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều tra và xử lý. Công ty Luật TNHH Hùng Thắng sẽ tư vấn thế nào là hành vi đánh bạc và pháp luật hiện hành mới nhất 2022 đã quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các hành vi này như thế nào để chúng ta cùng hiểu rỏ.
Thời gian qua, tội phạm đánh bạc diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Do đó, để ngăn chặn các tệ nạn cũng như những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà nguyên nhân xuất phát từ hành vi “Đánh bạc” chúng ta cần hiểu rõ về tội “Đánh bạc” và các chế tài xử lý đối với hành vi này qua bài viết dưới đây:
Đánh bạc là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật có giá hoặc các hình thức tài sản khác dưới bất kỳ hình thức nào mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; hiện vật có thể là tài sản, như: ô tô, xe máy,…Tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc là những thứ có thể thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc, trong người đánh bạc hoặc nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.
Hành vi đánh bạc được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, các hình thức đánh bạc thường thấy là chơi bài, chơi lô đề, bài tây, cá độ bóng đá, chọi gà, cá độ đua ngựa, đua xe,…
Theo đó, có thể thấy hình thức đánh bạc đa dạng, phong phú và được thực hiện với thủ đoạn tinh vi, ngụy trang trá hình dưới nhiều dạng khác nhau. Ngoài những hình thức đánh bạc truyền thống như: chơi bài, chơi lô đề,…thì tội phạm đánh bạc còn lợi dụng những tiện ích của mạng internet để tổ chức đánh bạc dưới nhiều hình thức khác nhau, nổi lên là tình trạng cá độ bóng đá qua mạng internet. Ngoài ra, tình trạng đánh bạc trực tuyến dưới vỏ bọc là các ứng dụng trò chơi game online có đổi thưởng từ tiền ảo sang tiền thật và ngược lại cũng là một trong những hình thức đánh bạc xuất hiện nhiều trong thời gian qua.
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội đánh bạc không thuộc vào trường hợp là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nên độ tuổi của chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc là từ đủ 16 tuổi trở lên trong trường hợp hành vi vi phạm đủ cấu thành tội đánh bạc.
Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi đánh bạc trái phép là tất cả những người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, làm chủ được hành vi cũng như nhận thức được hậu quả của mình gây ra và đủ độ tuổi theo như quy định trên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của mình.
Đánh bạc là một tệ nạn của xã hội, do đó tội đánh bạc là tội xâm phạm đến trật tự công cộng, cụ thể là xâm phạm trực tiếp đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội.
Hành vi khách quan
Hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kì hình thức nào, có sự thỏa thuận thắng thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; tiền hoặc hiện vật có giá trị dưới 5.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Hành vi đánh bạc trái phép là hành vi dùng tiền, tài sản khác có giá trị tham gia vào sự việc trái phép mà người thực hiện hành vi có thể được thua bằng tiền hoặc tài sản khác có giá trị khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Hậu quả của tội đánh bạc:
Tội đánh bạc chỉ quy định hành vi khách quan mà không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hậu quả của hành vi đánh bạc cũng không phải là yếu tố định khung hình phạt, mặc dù hành vi đánh bạc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội như: do đánh bạc mà dẫn đến các hành vi phạm tội khác như trộm cắp, cướp giật, cướp, cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng,… Pháp luật không quy định hậu quả là yếu tố định tội vì hậu quả mà tội đánh bạc gây ra có thể cấu thành tội phạm khác thậm chí có yếu tố nguy hiểm hơn tội đánh bạc. Trường hợp đánh bạc mà gây ra những hành vi phạm tội khác thì người phạm tội bị truy cứu đối với tội tương ứng theo quy định của pháp luật.
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và mong muốn thực hiện hành vi đó, nhằm thu lợi cá nhân, lấy tiền, tài sản của người thua bạc.
Tại khoản 1, 2 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với tội đánh bạc như sau:
Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Đối chiếu quy định trên thì hành vi đánh bạc sẽ bị xử phạt hành chính với mức 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Căn cứ theo Điều 321, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội đánh bạc, về tội này hành vi đánh bạc thắng thua bằng tiền mà có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Điều 321. Tội đánh bạc:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy hành vi đánh bạc có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhẹ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, nặng sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tùy mức độ vi phạm, kèm theo đó còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc sử dụng công nghệ cao ngày càng có chiều hướng gia tăng. Những đường dây đánh bạc qua mạng lên tới cả trăm, nghìn tỷ đồng liên tiếp được phát hiện và triệt phá trong thời gian gần đây.
Tại khoản 1 Điều 8 Luật Công nghệ cao 2008 quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là lợi dụng hoạt động công nghệ cao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong khi đó, theo tinh thần của Điều 15 Nghị định 25/2014/NĐ-CP về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, người thực hiện hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý hành chính, nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Việc đánh bạc sử dụng công nghệ cao có thể được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác để đánh bạc. Chế tài xử phạt đối với hành vi này được quy định rất cụ thể tại điểm c, khoản 2 Điều 321 Bộ Luật Hình Sự 2015 nêu trên.
Theo đó, người sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi đánh bạc sẽ bị phạt tù từ 03 - 07 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hùng Thắng. Trường hợp bạn còn vướng mắc cần tư vấn trực tiếp hãy liên hệ với chúng tôi. Luật sư tư vấn của Luật Hùng Thắng luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc của bạn.
Có thể bạn quan tâm:
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT HÙNG THẮNG
Trụ sở: 10-A9, Tập thể Bộ Công an, Phường Tứ Liên, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
VP Hà Nội: Số 202 Mai Anh Tuấn, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
VP Hà Tĩnh: 286 Phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh.
Hotline: 19000185
Email: info@luathungthang.com