Bệnh nghề nghiệp phát sinh từ quá trình lao động. Nếu chẳng may bị bệnh nghề nghiệp thì chế độ bệnh nghề nghiệp được hưởng sẽ như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Hùng Thắng sẽ tư vấn cụ thể và chi tiết cho bạn.
Căn cứ pháp lý
Luật bảo hiểm xã hội 2014
Nội dung tư vấn
Đối tượng áp dụng chế độ bệnh nghề nghiệp
Theo quy định tại Điều 42 Luật bảo hiểm xã hội 2014, thì đối tượng áp dụng chế độ bệnh nghề nghiệp là người lao động:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Người lao động được hưởng bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh.
Các loại trợ cấp chế độ bệnh nghề nghiệp
Trợ cấp một lần chế độ bệnh nghề nghiệp
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
- Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
- Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Trợ cấp hàng tháng chế độ bệnh nghề nghiệp
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
- Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình
Người lao động bị bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật.
Trợ cấp phục vụ
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hàng tháng, thì hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
Trợ cấp một lần khi chết do bệnh nghề nghiệp
Người lao động đang làm việc bị chết do bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Thời điểm hưởng trợ cấp trong chế độ bệnh nghề nghiệp
Theo quy định tại Điều 48 Luật bảo hiểm xã hội thì thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện.
Trường hợp thương tật hoặc bệnh tật tái phát, người lao động được đi giám định lại mức suy giảm khả năng lao động thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Hùng Thắng về Chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những thông tin cần thiết.
Vui lòng liên hệ CÔNG TY LUẬT HÙNG THẮNG nếu còn những vướng mắc, chưa rõ hoặc tư vấn pháp lý khác để được tư vấn cụ thể.
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT HÙNG THẮNG
Địa chỉ: 10-A9, Tập thể Bộ Công an, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội
VP Hà Nội: Số 202 Mai Anh Tuấn, phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội
VP Hà Tĩnh: 286 Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Điện thoại: +(84) 2438 245 666 // Email: info@luathungthang.com
Hotline: 19000185