Đua xe trái phép gây tai nạn chết người bị xử lý như thế nào?
Vừa qua nhóm thanh niên phóng xe máy với tốc độ cao, lạng lách, nẹt bô tông tử v…
Cách xác định tỉ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm trong tố tụng hình sự và một số vướng mắc khác liên quan sẽ được Luật sư tư vấn cụ thể:
Trong những loại tội được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, có những loại tội được xác định trên cơ sở phần trăm thương tích của người bị hại. Chính vì vậy, tại Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã xác định rõ: việc xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
1. Về nguyên tắc chung khi giám định tổn thương cơ thể
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT, viêc thực hiện giám định xác định tổn thương cơ thể phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, việc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể phải được thực hiện trên người cần giám định, trừ trường hợp nếu người cần giám định đã bị chết, mất tích hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật tại thời điểm cần giám định thì việc giám định sẽ được thực hiện trên hồ sơ.
Lưu ý: Trong trường hợp đặc thù phải giám định tổn thương cơ thể qua hồ sơ thì tỷ lệ phần trăm phải được xác định ở mức thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.
Thứ hai, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể phải được xác định tại thời điểm thực hiện giám định theo đúng quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể theo quy định
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-BYT, việc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể phải được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của người cần giám định luôn phải nhỏ hơn 100%.
Thứ hai, mỗi bộ phận cơ thể bị tổn thương khi thực hiện giám định chỉ được tính tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể một lần. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp bộ phận tổn thương đã gây ra biến chứng hoặc di chứng sang đến bộ phận thứ hai thì tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể phải tính thêm cả phần biến chứng, di chứng ở bộ phận thứ hai.
Thứ ba, trong trường hợp một người có nhiều tổn thương cơ thể nhưng những tổn thương đó lại là triệu chứng của một bệnh hay hội chứng được quy định thì việc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sẽ được tính theo hội chứng hay bệnh đó.
Thứ tư, kết quả tính về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của người được giám định được xác định đến hai chữ số hàng thập phân và làm tròn ở kết quả cuối cùng để tổng tỷ lệ phần trăm là số nguyên
Thứ năm, đối với những bộ phận cơ thể có tính chất đối xứng, hiệp đồng chức năng thì khi tính tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể mà có bộ phận còn lại bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đã được xác định thì phải tính cả tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của bộ phận bị bệnh lý hoặc tổn thương đó.
Ví dụ: Trường hợp một người bị chấn thương phải cắt thận trong khi trước đó do bệnh lý đã phải cắt thận trái thì khi tính tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sẽ phải tính là mất cả hai thận.
Thứ sáu, pháp luật quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể tại Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể, do đó khi giám định, căn cứ tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của người cần giám định, giám định viên đánh giá, xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể trong khung tỷ lệ tương ứng.
Thứ bảy, trường hợp bị tổn thương đến những bộ phận cơ thể đã bị mất chức năng thì việc giám định xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể sẽ được tính bằng 30% trên tỷ lệ tổn thương cơ thể của bộ phận đó.
Thứ tám, đối với trường hợp một người bị tổn thương cơ thể mà theo quy định đòi hỏi phải thực hiện cả giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần thì tỷ lệ tổn thương cơ thể của người đó được xác định là tổng hợp tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của cả hai tổ chức giám định này theo quy định.
3. Quy định về phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được xác định theo công thức sau đây:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn
Trong đó:
– T1: Là tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của tổn thương cơ thể thứ nhất được xác định theo khung tỷ lệ được ban hành theo quy định.
– T2: Là tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể thứ hai, được xác định theo công thức:
T2 = (100 – T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100
– T3: là tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể thứ ba, được xác định theo công thức:
T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % TTCT thứ 3/100
– Tn: là tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể thứ n, xác định theo công thức:
Tn – {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x tỷ lệ % TTCT thứ n/100.
– Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được xác định sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.
Ví dụ:
1. Trường hợp một người có nhiều tổn thương cơ thể:
Ông Nguyễn Văn A được xác định có 3 tổn thương, cụ thể:
– Cụt 1/3 giữa cánh tay phải kết quả giám định là 63%
– Mù mắt phải chưa khoét bỏ nhãn cầu, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là 41 %
– Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % tổn thương cơ thể được giám định à 22%
Áp dụng phương pháp nêu trên, tổng tỷ lệ phần trăm tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn A được tính như sau:
– T1 = 63%
– T2 = (100 -63) x 41/100% = 15,17%.
– T3 = (100 – 63 – 15,17) x 22/100 % = 4,80%
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là : 63% + 15,17 % + 4,80% = 82,97 %, làm tròn số là 83%.
Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là 83%.
2. Trường hợp một người cần phải giám định tại hai tổ chức
Ông B bị tổn thương cơ thể và cần phải giám định tại hai tổ chức là Giám định pháp y và Giám định pháp y tâm thần, trong đó:
Tại tổ chức giám định pháp y ông B tổn thương cơ thể được xác định là 45%
Tại tổ chức giám định pháp y tâm thần, kết quả giám định của ông B là 37%
Như vậy, đối chiếu với cách tính ở trên, tổng tỷ lê phần trăm tổn thương cơ thể của ông B được xác định như sau:
T1 đã được xác định là 45 %; T2 được xác định như sau:
T2 = (100 – 45) x 37/100 = 20,35 %.
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông B là = (T1+T2).
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn B là: 45 % + 20,35 % = 65,35 %.
Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn B là 65 %.
Nếu cần tư vấn các dịch vụ pháp lý qua điện thoại, vui lòng liên hệ qua số hotline 19000185 hoặc gửi yêu cầu đến địa chỉ email: info@luathungthang.com