Chủ đề liên quan

Công ty Luật Hùng Thắng
Số điện thoại Công ty Luật Hùng Thắng
Liên hệ Công ty Luật Hùng Thắng

Người thực hiện hành vi “biến thái” bị xử lý thế nào? và một số vướng mắc khác liên quan sẽ được Luật sư tư vấn cụ thể:

1. Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật hình sự năm 2015;
  • Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;
  • Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành;

2. Nội dung

2.1. Thế nào là hành vi “biến thái”?

Trước hết, hành vi “biến thái” trong bài viết này được hiểu là hành vi có tính chất tình dục gây tâm lý hoang mang, lo sợ, khó chịu và ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, thân thể của người khác. Hành vi “biến thái” thường được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, như:

- Dạng hành vi: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo,…các bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người khác nhưng không nhằm giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác.

- Dạng lời nói: những lời nói khiếm nhã có ngụ ý về tình dục,....

- Dạng phi lời nói: thể hiện dưới dạng ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, phô bày tài liệu khiêu dâm,...

Các khoản 2; 3; 4; 5 Điều 2 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC ngày 01 tháng 10 năm 2019 giải thích một số từ ngữ như sau:

“2. Bộ phận sinh dục bao gồm bộ phận sinh dục nam và bộ phận sinh dục nữ. Bộ phận sinh dục nam là dương vật; bộ phận sinh dục nữ bao gồm âm hộ, âm đạo.

3. Bộ phận nhạy cảm bao gồm bìu, mu, hậu môn, háng, đùi, mông, vú.

4. Bộ phận khác trên cơ thể là bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi, mũi, gáy, cổ, bụng...).

5. Dụng cụ tình dục là những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (ví dụ: dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả...) hoặc những đồ vật khác nhưng được sử dụng cho hoạt động tình dục.”

2.2. Người thực hiện hành vi biến thái sẽ bị xử lý như thế nào?

a) Xử lý hình sự:

  • Xử lý hình sự về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi

Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi “biến thái” như trên đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (Sau đây gọi tắt là BLHS 2015) như sau:

“Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tuy nhiên, đối với tội dâm ô với người dưới 16 tuổi thì hành vi “biến thái” được quy định cụ thể, chi tiết hơn tại Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC ngày 01 tháng 10 năm 2019 như sau:

“Điều 3. Về một số tình tiết định tội

…….

3. Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).”

Một số lưu ý đối với tội này như sau:

- Chủ thể của tội phạm: Người từ đủ 18 tuổi trở lên, không đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi (Điều 21 BLHS 2015), đã thực hiện hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi - Điều 146 BLHS 2015;

- Người chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi nêu trên thì không phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi;

- Người thực hiện hành vi dâm ô nêu trên đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì không phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi;

- Người thực hiện hành vi dâm ô nêu trên nhằm mục đích giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác thì không phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà có thể phạm tội khác: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 BLHS 2015); Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142 BLHS 2015); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 BLHS 2015).

  • Xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác:

Theo quy định tại Điều 9 BLHS 2015 về phân loại tội phạm thì Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015 thuộc loại tội phạm nghiêm trọng. Do đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thực hiện hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Như vậy, nếu người từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện hành vi “biến thái” như trên đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015 như sau:

 “Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

b) Xử lý vi phạm hành chính:

Người thực hiện hành vi “biến thái” là do cố ý. Do đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên (“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”- Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012) thực hiện hành vi “biến thái” đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 7 nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

“Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;

Nếu còn vướng mắc liên quan đến vấn đề người thực hiện hành vi “biến thái” bị xử lý thế nào? hoặc những tư vấn pháp lý khác, vui lòng liên hệ CÔNG TY LUẬT HÙNG THẮNG để được tư vấn cụ thể.

Thông tin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT HÙNG THẮNG

Địa chỉ: 10-A9, Tập thể Bộ Công an, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội.

VP Hà Nội: Số 202 Mai Anh Tuấn, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội.

VP Hà Tĩnh: Số 286 Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.

Hotline: 19000185             Email: info@luathungthang.com.


04/03/2021
Lịch trình cho

Tư vấn miễn phí

Công ty Luật Hùng Thắng chuyên tư vấn doanh nghiệp, tư vấn luật doanh nghiệp, tư vấn thành lập công ty, tư vấn pháp lý thường xuyên, tư vấn thay đổi đăng ký kinh doanh, tư vấn đất đai, tư vấn hợp đồng, tư vấn hôn nhân, tư vấn ly hôn, tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình, luật sư bào chữa..

19000185