Sa thải nhân viên đánh bạc tại nơi làm việc
Hành vi đánh bạc trái phép dưới mọi hình thức với mục đích được thua bằng tiền h…
Các quy định pháp luật hiện hành về đình công là quy định mà người lao động và người sử dụng lao động cần nắm rõ. Khi đòi hỏi cho mình các quyền và lợi ích nhất định, người lao động có thể sử dụng một trong những quyền của mình được pháp luật cho phép thực hiện, đó chính là đình công. Bài viết dưới đây, sẽ trích dẫn các quy định pháp luật hiện hành về đình công để quý bạn đọc có thể nắm rõ về vấn đề này.
Một số chủ đề có thể bạn quan tâm:
Thủ tục đăng ký nội quy lao động
Điều 198 Bộ Luật lao động 2019 quy định đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Việc đình công diễn ra nhằm mục đích chính là đòi hỏi quyền lợi của người lao động như cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương, giảm giờ làm,… Hay nói khái quát hơn, đình công là một quyền của người lao động, được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Theo quy định tại Điều 199 Bộ Luật lao động 2019, Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành đình công trong các trường hợp sau:
- Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật lao động 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Căn cứ theo Điều 200, 201, 202 Bộ Luật lao động 2019, đình công được diễn ra theo trình tự như sau:
- Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng. Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác với nội dung lấy ý kiến bao gồm:
+ Đồng ý hay không đồng ý đình công;
+ Phương án của tổ chức đại diện người lao động về thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công, phạm vi tiến hành đình công, yêu cầu của người lao động trong quyết định đình công.
- Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày và không gây cản trở hoạt động kinh doanh, sản xuất của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.
- Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản. Quyết định đình công bao gồm các nội dung sau:
+ Kết quả lấy ý kiến đình công;
+ Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;
+ Phạm vi tiến hành đình công;
+ Yêu cầu của người lao động;
+ Họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
- Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
- Không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
- Chính phủ quy định danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công quy định tại khoản 1 Điều này.
( Điều 209 Bộ Luật lao động 2019)
Căn cứ theo Điều 207 Bộ Luật lao động 2019, trong thời gian đình công, tiền lương và các quyền lợi khác được quy định như sau:
- Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật lao động 2019 và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.
- Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 204 Bộ Luật Lao động 2019, các trường hợp đình công bất hợp pháp bao gồm:
- Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật lao động 2019;
- Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công;
- Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật lao động 2019;
- Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật lao động 2019;
- Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật lao động 2019;
- Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật lao động 2019;
Trên đây là các quy định pháp luật hiện hành về đình công. Nếu bạn đọc có gì vướng mắc cần tư vấn cụ thể vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý đông đảo, chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm của Luật Hùng Thắng sẽ tư vấn cho khách hàng một cách đầy đủ, chính xác nhất về các vấn đề pháp lý mà khách hàng đang gặp phải.