Chủ đề liên quan

Công ty Luật Hùng Thắng
Số điện thoại Công ty Luật Hùng Thắng
Liên hệ Công ty Luật Hùng Thắng

Câu hỏi:  Xin chào Luật sư, tôi mới thành lập doanh nghiệp từ tháng 3/2021. Hiện công ty tôi đang có nhu cầu sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng. Theo tôi được biết thì hiện nay có hai loại hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử. Vậy việc bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ khi nào? Mong Luật sư giải đáp giúp tôi, tôi xin cảm ơn.

Trả lời: Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Hùng Thắng. Với yêu cầu về thời điểm bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử, Luật sư tư vấn xin giải đáp cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

  • Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
  • Nghị định 04/201/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51/2010/NĐ-CP;
  • Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
  • Luật quản lý thuế năm 2019;
  • Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ.

2. Hóa đơn điện tử là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 32/2011/TT-BTC hướng dẫn khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì:

“Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử phải đáp ứng các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này.”

Nội dung của hóa đơn điện tử bao gồm:

  • Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự hóa đơn (Ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự trên hóa đơn thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 1 Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.
  • Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
  • Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;
  • Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ. Đối với hóa đơn giá trị gia tăng, ngoài dòng đơn giá là giá chưa có thuế giá trị gia tăng, phải có dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền phải thanh toán ghi bằng số và bằng chữ.
  • Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.
  • Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Trường hợp không có quy định cụ thể giữa người mua và người bán về ngôn ngữ sử dụng trong việc lập hóa đơn điện tử để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thì ngôn ngữ được sử dụng trên hóa đơn điện tử (hóa đơn xuất khẩu) là tiếng Anh.

3. Thời hạn bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP thì thời hạn sử dụng hóa đơn điện tử được xác định như sau:

“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2018.

2. Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020.

3. Trong thời gian từ ngày 01 tháng 11 năm 2018 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vẫn còn hiệu lực thi hành.

4. Kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành”.

Nghị định 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/11/2018 đến 01/07/2022, theo như Nghị định 119/2018/NĐ-CP thì việc sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp chậm nhất là vào ngày 01/11/2020. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 151 Luật quản lý thuế 2019 thì:

“2. Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022”.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 59 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì:

“Điều 59. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.[...]
Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020...”

Như vậy, theo như quy định tại Luật quản lý thuế 2019 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp không bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/11/2020 nữa mà thời gian bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử là từ 01/07/2022. Do đó, công ty của bạn mới thành lập từ 3/2021 thì bạn có thể lựa chọn sử dụng hóa đơn giấy hoặc sử dụng hóa đơn điện tử.

Trên đây là tư vấn về thời hạn bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với Luật Hùng Thắng để được tư vấn và hỗ trợ.


09/05/2021
Lịch trình cho

Tư vấn miễn phí

Công ty Luật Hùng Thắng chuyên tư vấn doanh nghiệp, tư vấn luật doanh nghiệp, tư vấn thành lập công ty, tư vấn pháp lý thường xuyên, tư vấn thay đổi đăng ký kinh doanh, tư vấn đất đai, tư vấn hợp đồng, tư vấn hôn nhân, tư vấn ly hôn, tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình, luật sư bào chữa..

19000185